Lịch sử phát triển của Công ty
Công ty TNHH một thành viên Địa Chính Hà Nội tiền thân là Xí nghiệp Đo đạc bản đồ thuộc Sở Quản lý ruộng đất, được thành lập từ năm 1986. Từ một Doanh nghiệp hạng 3 vào năm 2000, bốn năm sau, Công ty đã được thành phố quyết định xếp hạng Doanh nghiệp hạng 1. Đó chính là sự phát triển vượt bậc của Công ty về quy mô và tiềm năng, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai và quy hoạch đô thị.
Từ năm 2000 đến năm 2005 là giai đoạn Hà Nội có nhiều thay đổi về quy hoạch đô thị và quản lý đất đai, nhà ở; theo đó, nhiệm vụ của đo đạc cũng hết sức nặng nề và luôn trong tình trạng cấp bách, như đảm nhiệm công tác đo đạc bản đồ địa chính và cắm mốc phục GPMB tuyến đường Vành đai 1 (Kim Liên-Ô Chợ Dừa); các tuyến đường Ngô Gia Tự, Đội Cấn-Hồ Tây; cầu Vĩnh Tuy; nút giao thông trọng điểm Kim Liên, Ngã Tư Vọng; hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc Thăng Long-Vân Trì; dự án cải tạo sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét của dự án thoát nước giai đoạn 2.
Đo đạc bản đồ hiện trạng và cắm mốc phục vụ thu hồi đất để hoang hoá hoặc sử dụng sai mục đích theo Chỉ thị 15/CT-UB của UBND thành phố được 147 đơn vị; cắm mốc và giao đất cho các dự án phát triển nhà và các khu công nghiệp Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm; đo đạc, cắm mốc các công trình để đưa vào đấu giá quỹ đất; phục vụ bán nhà theo NĐ 61/CP, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo NĐ 60/CP; lập hồ sơ quản lý quỹ nhà chuyên dùng cho thuê sản xuất, kinh doanh; phục vụ kê khai và xin cấp phép xây dựng.
Với đặc thù sản phẩm là không thể sản xuất đại trà, dư thừa như các doanh nghiệp khác, nên tình trạng thiếu việc làm là điều mà lãnh đạo Cty đã phải nghĩ tới từ 5 năm trước đây. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được Cty chú trọng và coi là một trong những nhiệm vụ có tính chiến lược để bảo đảm cho Cty phát triển ổn định. Từ năm 2000, Cty đã triển khai cuộc cách mạng trong sắp xếp lại tổ chức cho gọn nhẹ, có hiệu quả. Theo đó, tăng cường bổ sung lực lượng trẻ, được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cũng ngay từ khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức, Cty đã áp dụng định mức khoán tiền lương theo quy trình: mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty đều bắt đầu từ phòng Kinh tế-Tài chính. Đây là nơi tiếp nhận yêu cầu đặt hàng, hồ sơ tài liệu của khách hàng, lập hợp đồng và dự toán trình giám đốc ký, chuyển phòng Kế hoạch-Dự án giao việc cho các đơn vị sản xuất thực hiện theo yêu cầu của khách hàng. Khi các Xí nghiệp thực hiện xong yêu cầu của hợp đồng giao khoán, nộp lại hồ sơ, tài liệu về phòng Kinh tế-Tài chính để trả khách hàng. Định kỳ hàng tháng các đơn vị sản xuất nộp hồ sơ để thanh toán tiền lương. Để cạnh tranh được trong nền kinh tế thị trường, Cty đã mạnh dạn dùng vốn tự có đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng trụ sở làm việc để mở rộng và phát triển sản xuất.
Giai đoạn 2006-2010, tốc độ đô thị hoá của Hà Nội tiếp tục tăng nhanh. Đặc biệt, khi đề án mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô được phê duyệt, việc đo vẽ bản đồ phục vụ công tác quy hoạch phải đi trước một bước nhằm đáp ứng yêu cầu chung. Đáp ứng mô hình tổ chức mới-TNHH một thành viên- Cty sẽ bổ sung thêm ngành nghề, với việc thành lập thêm 3 đơn vị sản xuất mới là các xí nghiệp: Khoan khảo sát công trình, Xây dựng công trình và Khảo sát-Tư vấn thiết kế xây dựng. Như vậy, dự kiến từ năm 2006 đến 2010, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty sẽ có thêm các lĩnh vực gồm: khoan khảo sát địa chất công trình phục vụ xây dựng công trình; kinh doanh bất động sản; tư vấn, thiết kế lập quy hoạch mặt bằng, thiết kế xây dựng công trình; tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà và đô thị, các công trình giao thông, công trình xây dựng dân dụng, dịch vụ cho thuê văn phòng làm việc, bãi đỗ xe; nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư chuyên ngành về trắc địa, bản đồ địa chất, khí tượng thuỷ văn, xây dựng công trình.
Việc chuyển đổi từ mô hình DN Nhà nước sang mô hình TNHH một thành viên đặt Cty vào hoạt động trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn. DN phải tự chịu trách nhiệm cao hơn, nhưng tự chủ hơn khi còn trực thuộc Sở chủ quản. Vì vậy, việc tập trung đầu tư thiết bị, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho CBCNV là những điều kiện tiên quyết để Cty phát triển bền vững.
Ý kiến bạn đọc